Thứ Năm, 20 tháng 10, 2011

Có một ngày trong ngăn sách cũ


Có một ngày trong ngăn sách cũ

Tác gi: Đỗ Trung Quân
có một chiều như thế trong đời
trên vai tôi nàng khóc
có một chiều mưa của khắp thế gian
lặng trong một giọt nước mắt
có một chiều như thế trong đời
muối của mọi đại dương
trên lưỡi tôi
khô đắng
có một chiều như thế
mọi màu tím của hoàng hôn
tím như không thể tím hơn được nữa
run rẩy
chùm hoa nhỏ
tay nàng
có một ngày cộng tất cả li tan
thành lặng im thảng thốt
có một chiều trong ngăn sách cũ
tình cờ
còn nguyên vẹn một điều gì
đã mất.



có những lần mình dạo quanh quanh, vô định – giống như cuộc đời mình vậy. và mình nhận ra, mình đã đánh mất những điều tưởng rằng sẽ mãi “nguyên vẹn”. làm sao em biết bia đá không đau[1]?
Cuộc đời này, cuối cùng cũng trở về vạch xuất phát. Cứ mỗi lần va vấp, mình lại muốn đi đến nơi nào đó, không ai biết mình là ai, không ai biết tiểu sử của mình.
nhưng
đó chỉ là ảo tưởng. mình nhận ra mình phải xuất phát ngay từ chính nơi mình đã vấp ngã. Tại sao mình lại phải đứng lên, khi biết rằng sẽ có lúc sẽ lại vấp ngã? Tại sao mình lại cười, khi biết rằng sẽ có lúc nước mắt tuôn như mưa? Tại sao mình lại kết bạn, khi biết rằng sẽ có lúc chính những người bạn ấy lại cứa mình đến quặn thắt?

Nghĩ về Mẹ ngày 20

Ngày xưa có mẹ

Tác giả: Thanh Nguyên




Khi con biết đòi ăn
Mẹ là người mớm cho con muỗng cháo
Khi con biết đòi ngủ bằng tiết tấu
Mẹ là người thức hát ru con
Bầu trời trong mắt con ngày một xanh hơn
Là khi tóc mẹ ngày thêm sợi bạc
Mẹ đã thành hiển nhiên như Trời – Đất
Như cuộc đời không thể thiếu trong con
Nếu có đi vòng quả đất tròn
Người mong con mỏi mòn chắc không ai ngoài mẹ

Cái vòng tay mở ra từ tấm bé
Cứ rộng dần theo con trẻ lớn lên
Mẹ là người đã cho con cái tên riêng
Trước cả khi con bật nên tiếng “Mẹ”

Mẹ!
Cái tiếng gọi mà từ khi bập bẹ
Đến lúc trưởng thành
Con vẫn chưa hiểu hết chiều sâu

Mẹ!
Có nghĩa là bắt đầu
Cho sự sống, tình yêu, hạnh phúc

Mẹ!
Có nghĩa là duy nhất
Một bầu trời
Một mặt đất
Một vầng trăng
Mẹ không sống đủ trăm năm
Nhưng đã cho con dư dả nụ cười và tiếng hát
Chỉ có một lần mẹ không ngăn con khóc
Là khi mẹ không thể nào lau nước mắt cho con

Là khi mẹ không còn
Hoa hồng đỏ từ đây hóa trắng…

Rồi những đứa bé lại chào đời và lớn lên theo năm tháng
Biết bao người được làm mẹ trong ngày
Tiếng trẻ con gọi mẹ ngân nga trên trái đất này
Thành âm thanh không bao giờ vắng lặng

Mẹ!
Có nghĩa là ánh sáng
Một ngọn đèn thắp bằng máu con tim
Cái đóm lửa thiêng liêng
Cháy trong bão bùng, cháy trong đêm tối 


Mẹ!
Có nghĩa là mãi mãi
Là cho – đi – không – đòi – lại – bao – giờ
Cổ tích thường bắt đầu từ : “Ngày xưa có một công chúa…” hay “Ngày xưa có một vị vua…”
Cổ tích còn bắt đầu từ: “Ngày xưa có mẹ… ”



Thứ Năm, 9 tháng 12, 2010

Đoản khúc tháng 12

Có tin nhắn, mở điện thoại. Con số 01/12 tự nhiên đập vào mắt làm mình thảng thốt. Nhanh thế sao? Chưa gì … đã tháng 12. Mà thảng thốt còn bởi vì tháng 12 có nhiều duyên nợ với mình lắm. Đầu tiên, tháng 12 là tháng cuối năm. Mà cái gì cuối cuối thì dễ khiến mình buồn lung tung. Thêm nữa, tháng 12 là tháng “có chứa” ngày Giáng sinh (không biết học cách nói của ai mà Tây không ra Tây, Việt không ra Việt). Lần đầu tiên mình biết thế nào là Giáng sinh thì nó đã buồn thê thảm. Từ đó, mong mỏi đến Giáng sinh để được nhấm nháp và gặm nhấm nỗi buồn. Có người bạn nghe mình nói, liền hỏi: ngày đó cô đơn, ngày đó bị bỏ rơi thì còn than ngắn buồn dài. Giờ thì buồn gì nữa? Ừ. Mình cũng không hiểu. Vì thế mà lỗi hẹn mấy chầu cà phê. Không dám ngồi nói chuyện, vì có những câu hỏi mình không biết lối nào mà trả lời. Giống như ngày xưa, đã có rất nhiều người hỏi mình: không thể làm bạn nữa hay sao? Mình đã im lặng rất lâu. Im lặng chỉ vì không biết phải trả lời như thế nào. Vì chính mình cũng không biết câu trả lời. Thế đấy! Cho nên, khi hỏi ai đó mà người ta im lặng, có thể 99% là người ta không biết, chứ không phải là người ta coi thường mình, biết mà không thèm trả lời. Suy diễn là tự rước họa vào thân!

Chả biết đi được mấy phần cuộc đời (nghe mà thấy già ớn), nhưng mà càng sống mình lại càng phải im lặng nhiều. Không giống ngày trước cứ bô lô ba la. Thậm chí với cả những người thân mình vẫn phải gắng gượng đôi lần chọn cách im lặng. Nhưng lý do thì không đơn giản là “không biết” như những ngày xưa nữa. Sợ người ta buồn, phật ý (con người ta vốn không thích nghe những điều họ…không thích) nên đành im lặng (vì mình thì không muốn nói những điều nịnh bợ vô nghĩa-đây không chỉ là điều mình không muốn, nó còn là điều mình ghét nhất!). Khen 1 ai đó không phải là nịnh bợ. Vấn đề nằm ở chỗ khen đúng hay không, và còn nằm ở chỗ khen có thật lòng không. Viết những dòng này, mình nhớ lại lời của GS. Ngô Bảo Châu, rằng có một bài học Ông cho rằng rất khó: đó là học cách khen ai đó thật lòng và đón nhận lời khen của người khác, xem như đó là 1 món quà tặng mà cuộc sống đã ban tặng.

Ngẫm lại, mình đã từ chối bao nhiêu “món quà” như thế rồi. Chẳng nhớ nữa! Mình từ chối bởi vì đơn giản mình cảm thấy không xứng đáng. Những người khen đều dành những lời lẽ quá sức lớn lao. Nếu chấp nhận, mình đúng là một đứa chẳng biết điều. Thế nên, dù rất tiếc (vì mình là đứa cực kỳ thích nhận quà), nên đàn phải từ chối những “món quà” tuyệt diệu ấy. Nhưng điều đó có quan trọng gì, mình còn vui hơn rất nhiều vì được “tặng quà” cho người khác và nhìn thấy họ rạng rỡ. Có lần, mình và anh bạn khen một cô (chẳng thân thiết gì) đã ở “cuối mùa nhan sắc”[i]. Cũng không có gì đặc biệt, cho đến khi cô gọi với lại và khẽ khàng bảo “Cô cảm ơn nhiều nhé!”. Lúc ấy, Cô đúng là đẹp và tươi hơn cả bó hoa ly trên xe! Và đẹp hơn nữa, khi giữa hàng nghìn sinh viên mua giáo trình, Cô vẫn nhớ ra mình và nói chuyện-những câu chuyện không đầu không đuôi. Nhưng mình biết rằng, người kể đã xem người nghe không chỉ là một sinh viên đơn thuần nữa.
Hôm nọ đang buồn vì không biết ai đúng ai sai thì đọc được câu danh ngôn: “Khi ai đó hỏi bạn lời khuyên thì họ đang muốn bạn đứng về phe họ” (trí nhớ lú lẫn, có lẽ không nhớ chính xác từng chữ). Cảm giác của mình như người (sắp) chết đuối vớ được 1 cái phao bự thiệt bự. Niềm tin được vớt lại hóa lớn lao vô cùng. Thì ra đặt niềm tin vào bản thân mình chưa bao giờ là một sự đầu tư phí phạm! Hồi đó phải chi … Mà thôi, nhắc lại quá khứ đau buồn cũng chẳng thể lấy lại những gì đã mất. Mình không thích dùng cái cụm từ “Giá như” vớ vẩn này!

Lan man, tản mạn từ chuyện này nhảy sang chuyện kia hình như là sở trường của mình thì phải. Hèn chi mà bạn bè than phiền: con này chuyện gì cũng nói được, gặp ai cũng nói được. Thiệt, mình cũng không hiểu mình nữa mà… Thế nên có nhiều lúc cũng không dám đi gặp bạn bè. Sợ gặp rồi không về được, say quá mà. Say khướt bởi tình bạn – điều này không phải ai cũng có được. Mình thì có, nên phải biết quý trọng. Thật ra,lý do sâu xa là vì mình cũng đã vài lần đánh mất, nên giờ “tởn” lắm…

Mình chưa bao giờ sợ tháng 12 đến như thế này. Bao nhiêu thứ còn đang dang dở, chưa hoàn thành, chưa đâu vào đâu. Không yên tâm để tự thưởng cho mình một ly sinh tố dừa mát lịm. Không có đủ dũng khí để vơ vào lòng những nỗi vơ vẩn trước mùa Giáng sinh. Càng không có những lăn tăn linh tinh trước mùa “Giang sinh” – mình thích gọi ngày sinh nhật của mình như thế. Và vẫn đang gọi như thế - như là một món quà tự  thưởng sớm cho mình!





[i]  Mượn từ ngữ của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư

Nước Mỹ…

Nghe tin một người bạn đi Mỹ, thấy buồn cho mình! Xuất phát điểm như nhau nhưng giờ thì người ta được đi xuất ngoại trước mình… Huhu. Nghe bạn kể chặng đường đến với nước Mỹ, mình thấy cũng dễ quá chừng mà. Bạn đi cũng nhanh về. Mình quyết tâm, chắc cũng sẽ được mà.
Nói về quyết tâm, cái đó hình như mình thiếu nhất. mình thích đủ thứ, nhưng hình như chưa bao giờ quyết tâm thật sự, dốc sức thật sự để có được những gì mình thích (hay mình chưa thật sự thích điều gì đó để phải cố gắng 100%)
Nói về cái gọi là xuất phát điểm. Bảo là giống nhau nhưng hình như không phải như vậy. Tốt nghiệp xong, bạn theo học ngành Kinh tế, mình theo học ngành … Văn. 2 cái ngành này có gì chung đâu, thế nên cũng…không thể trách mình được! Hehe. Bạn có đủ lý do để ra nước ngoài, phục vụ nhu cầu công việc, cải thiện sức khỏe... Mình, nếu có đi nước ngoài, cũng chỉ để phục vụ một nhu cầu duy nhất (lại vô cùng xa xỉ) – du lịch. Ngay từ đầu khi đậu vào ngành này, câu hỏi đầu tiên mình tự hỏi bản thân “Học cái này biết ngày nào mới được đi nước ngoài?”. Nhưng giờ thì mình nhận ra, có lẽ việc học Văn đối với mình giống như duyên nợ. Mình học văn để cân bằng con người quá lý tính, sắc lạnh và đôi khi “man rợ” của mình nữa. Nôm na là để cân bằng thiên thần-ác quỷ trong “bản ngã” của mình. Và học văn, còn là để nuôi dưỡng những cảm xúc…, để không bị chai sạn trong cuộc sống này…
Nói về cái sự ham muốn được đi nước ngoài “tột bậc” của mình, nó đã gây không ít khó chịu cho người thân, gia đình. Có lẽ bởi nó đã trở thành một “ám ảnh day dứt, dằn vặt” (ám ảnh đàn ghita…). Nhưng tại sao nó trở thành ám ảnh? Không biết nữa. Có lẽ mình bị hoàn cảnh đưa đẩy (tiếp xúc với quá nhiều đối tượng phức tạp), những câu chuyện kể của những người đã từng ở nước ngoài (cái gì mình không có, không biết thì hình như nó càng trở nên lung linh, huyền ảo và đẹp hơn thực tại n lần), cộng thêm với những chán ngán của một thời…Có những lúc mình muốn thoát khỏi đất nước này, đến một nơi xa lạ. Sau này nghĩ lại, thật ra, đó là vì mong muốn có một sự khởi đầu mới ở một nơi không có ai biết mình là ai cả, mà mình cũng không biết ai cả. Nhưng như thế thì không nhất thiết phải ra nước ngoài (có thể đi kinh tế mới mà. Khakha)

Sau đó khoảng một thời gian, mình bắt đầu có điều kiện đi du lịch. Cảm giác thật lạ. đi đến những nơi xa lạ, gặp những con người lạ, những điều mới mẻ ấy đã thắp sáng tâm hồn mình, khơi dậy những tình cảm chưa từng có bao giờ. Mình nhận ra, ước muốn được đi nước ngoài chỉ là do mình muốn khám phá. Tính tình vốn “cả thèm chóng chán” nên nó khổ sở thế đấy. Sau mỗi lần đi du lịch về, mình thừ ra cả tuần lễ. Nhớ đất, nhớ người. Cảm giác ban đầu (hay được ví với mối tình đầu í) nguyên sơ ấy trở nên không thể nào quên. Đi nhiều, trải nghiệm nhiều khiến người ta mở lòng mình dễ dàng hơn, sống dễ chịu và phóng khoáng hơn. Mình cần những điều đó hơn hết thảy những điều khác. Cần đủ bao dung, hiểu biết để nuôi dưỡng trái tim và tâm hồn mình – những điều mình muốn truyền lại cho con mình, cho những người mình yêu thương nữa. Cảm giác được chia sẻ mới tuyệt làm sao. Khà khà
Và như thế. Khi nghe tin bạn đang ở Mỹ. Sau một thoáng buồn. Trái tim mình vẫn đập những nhịp – hơn-cả-bình-thường. Mình mừng cho bạn vì bạn sẽ có những trải nghiệm tuyệt vời ở một nơi xa lạ cùng với những con người xa lạ-nhưng sẽ sớm trở nên thân quen.
Và mừng vì mình biết sớm muộn gì mình cũng sẽ lại đi tiếp những nẻo đường. Ai cũng nói mình là “chân đi” mà!!!
Viết cho những bâng khuâng, cho một (vai) người bạn mình đã đánh mất…